Shane Campbell-Staton, một nhà sinh vật học chuyên ngành tiến hóa công tác tại Đại học Princeton, cống hiến phần lớn cuộc đời nghiên cứu của mình cho loài bò sát. Nhưng trong một buổi sớm của năm 2016, ông bắt gặp một video YouTube lạ lùng nói về voi Châu Phi. Một xu hướng kỳ lạ đang hiện hữu nơi đây: rất nhiều cá thể voi cái ngụ tại Công viên tự nhiên Quốc gia Gorongosa thuộc Mozambique đã không còn ngà.
Voi cái mất ngà là xu hướng đáng lo ngại.
Lạ ở chỗ thông thường, chỉ khoảng 2% voi cái Châu Phi không có ngà. Sự kiện bất thường khơi gợi trí tò mò của nhà nghiên cứu, ông Staton-Campbell liên hệ với những đồng nghiệp chuyên ngành voi mà mình biết nhưng không ai trong số đó để ý tới xu hướng khác thường. Để tìm hiểu rõ ngọn ngành vấn đề, nhà sinh vật học Robert Pringle mời ông Staton-Campbell tới tận khu bảo tồn để tận tay nghiên cứu.
Sau hơn một giây suy nghĩ, ông Staton-Campbell nhận lời.
Thấm thoắt 7 tháng trôi qua kể từ thời điểm xem video voi trên YouTube, ông Staton-Campbell đã đang ngồi trên trực thăng đếm voi chạy dưới đất. Sau khi so sánh số lượng cá thể đàn với video cũ, ông và nhà sinh vật học Pringle đưa ra nhận định gây đáng ngại: số lượng voi cái không ngà tăng đột biến sau 3 thập kỷ. Giữa thời điểm 1977 và 2004, lượng voi cái không ngà tăng từ 18,5% lên 33%.
Kết quả nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Science.
Những nạn nhân bốn chân của cuộc nội chiến
Mozambique chứng kiến cuộc nội chiến đẫm máu nổ ra năm 1977. Suốt 15 năm ròng, quân đội hai phía cùng săn voi, bán ngà để hậu thuẫn tài chính cho cuộc chiến. Tới năm 1992, số lượng voi tại Gorongosa giảm hơn 90%. Trong thời gian cuộc nội chiến diễn ra, số lượng voi cái không ngà gần như tăng gấp 3; cứ hai con voi cái sẽ có một cá thể không ngà.
Nhìn theo khía cạnh tiến hóa, rõ ràng những cá thể không mang ngà trên người sẽ có tỷ lệ sống sót cao hơn.
Lợi thế về sinh tồn tiếp diễn ngay cả khi cuộc nội chiến kết thúc, cho dù số lượng cá thể voi cái mọc ngà có tăng thêm chút đỉnh. Trong thời điểm giữa năm 1995 và 2004, sẽ có một voi cái không ngà trong mỗi ba cá thể được đếm; vậy là gần bằng với tỷ lệ trước khi chiến tranh nổ ra, là một voi không ngà trong năm cá thể được đếm.
Nhóm nghiên cứu đưa nhận định: việc săn voi lấy ngà đã ép sinh vật to lớn phải tiến hóa nhanh chóng để tồn tại. Theo lời nhà sinh vật học Staton-Campbell, tỷ lệ để việc tiến hóa diễn ra thuận tự nhiên là vô cùng nhỏ.
Sự khác biệt giữa voi cái và voi đực
Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu tại sao chỉ có voi cái mới tiến hóa để mất ngà. Theo dõi các đàn voi sống ngoài khu vực công viên tự nhiên Gorongosa, nhóm nghiên cứu nhận thấy số cá thể voi đực không ngà rất thấp. Hiện tượng cho thấy khả năng “tiến hóa mất ngà” có liên quan tới giới tính của voi.
Sau khi lập bản đồ gen của cả voi cái có ngà và không ngà sống trong khu vực công viên quốc gia, các nhà nghiên cứu xác định được một gen có tên AMELX quyết định việc voi cái mọc ngà hay không.
Xác một con voi bị săn lấy ngà.
AMELX được truyền từ mẹ sang con qua nhiễm sắc thể X, và con người cũng sở hữu loại gen độc đáo này. Trên người, các ảnh hưởng xấu tới AMELX sẽ khiến răng dễ vỡ, đồng thời cản trở quá trình phát triển răng. Nhưng nếu nam giới thừa hưởng gen AMELX không nguyên vẹn thông qua nhiễm sắc thể X, tỷ lệ tử vong của họ sẽ rất cao.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng điều đó cũng diễn ra trên voi Châu Phi: nếu voi đực được truyền cho gen AMELX không lành lặn, cá thể này sẽ chết. Nhưng trên voi cái, AMELX lỗi sẽ chỉ khiến voi không mọc thêm ngà.
Tác động của việc mất ngà lên hệ sinh thái
Thoạt nhìn, việc mất ngà có thể không gây ra tổn hại lâu dài. Nhưng theo nhà nghiên cứu Staton-Campbell, xu hướng lạ lùng có thể khiến toàn bộ hệ sinh thái của voi Châu Phi trở nên bất ổn.
“Ngà là công cụ dùng trong nhiều việc, từ lột vỏ cây, đào khoáng vật cho tới dò nguồn nước ngầm”, nhà sinh vật học lão thành nói. “Nếu không có ngà, hành vi cá thể sẽ thay đổi – cá thể không thể đẩy ngã cây nữa vì không còn ngà để lột vỏ cây”.
Nhiều động vật khác sống nhờ vào hành động “phá rừng” của voi. Khi voi xô đổ cây, khoảng đất trống sẽ nuôi dưỡng những loài thực vật thấp và tạo nên nơi trú ngụ cho nhiều loài động vật khác. Ngà voi biến mất, quá trình này sẽ bị gián đoạn.
Voi xô đổ cây tại Khu bảo tồn Quốc gia Maasai Mara.
“Đây là ví dụ cho thấy hoạt động của con người đã đang thay đổi xu hướng tiến hóa của các loài xuyên suốt cây sự sống”, ông Staton-Campbell nói, đồng thời nhận định “con người là tác nhân gây áp lực tiến hóa lớn nhất trong lịch sử, bên cạnh năm sự kiện tuyệt chủng từng diễn ra trong quá khứ”.
Dù cuộc nội chiến tại Mozambique đã kết thúc từ lâu, voi cái sẽ cần vài thế kỷ nữa để khôi phục lại tỷ lệ có ngà cao như thời tiền chiến. “Có lẽ sẽ cần năm, sáu hoặc bảy thế hệ voi nữa để tỷ lệ có ngà trở về mức 2%, nếu như không xuất hiện áp lực từ việc săn bắn”, ông Staton-Campbell nhận định.
Theo Insider